Ngành Ngân hàng Tuyên Quang nỗ lực chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội phát triển lớn cho ngành Ngân hàng, giúp các ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại và số hóa vào quy trình nghiệp vụ theo hướng tự động, thông minh trên nền tảng số, khai thác dữ liệu hiệu quả để gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng. Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu để các ngân hàng vượt lên thách thức, tạo lợi thế cạnh tranh, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Tại Tuyên Quang, quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng đã và đang diễn ra mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả khả quan.

Dịch vụ ngân hàng điện tử giúp khách hàng thực hiện các giao dịch ngân hàng mọi lúc, mọi nơi

Hơn 1 năm trở lại đây, từ khi sử dụng dịch vụ VCB Digibank của Ngân hàng Vietcombank, chị Hà Phương Cúc, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) đã quen với việc gửi tiền tiết kiệm trực tuyến. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, tiền của chị đã được xác nhận gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Với chị Cúc, gửi tiết kiệm online có rất nhiều tiện ích, hoàn toàn chủ động trong việc gửi tiền hoặc rút tiền bất kỳ lúc nào, đặc biệt là tính bảo mật cao nên chị rất yên tâm. Việc gửi tiết kiệm online không chỉ thuận tiện hơn cho khách hàng, mà còn giúp ngân hàng tiết giảm được thời gian, nhân sự ở phòng giao dịch.

Anh Đặng Lý Hùng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cũng rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ SmartBanking của BIDV. Anh Hùng chia sẻ, anh cài chế độ thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại tự động qua tài khoản ngân hàng. Mỗi tháng khi hóa đơn đến kỳ thanh toán, ngân hàng sẽ tự động trích nợ tài khoản của anh để trả cho nhà cung cấp. Điều này phù hợp với những khách hàng quá bận rộn, hay quên việc thanh toán hóa đơn định kỳ như anh.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hiện nay, người dân cũng đã quen với hình thức thanh toán điện tử thay cho việc sử dụng tiền mặt. Nhiều siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh đã trang bị các loại máy POS để quẹt thẻ, mã QR thanh toán nhanh. Để chuyển đổi số toàn diện, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cam kết thực hiện chính sách phát triển tài khoản tới người dân. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Ngân hàng BIDV Tuyên Quang cho biết, đơn vị đã thiết kế và cài đặt mã QR miễn phí phù hợp với từng hộ kinh doanh, buôn bán. Đồng thời, cử cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt và thanh toán trên ứng dụng SmartBanking.

Cán bộ Agribank Tuyên Quang hướng dẫn người dân sử dụng Ngân hàng số

Những dịch vụ ngân hàng số đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm được khá nhiều thời gian, chi phí trong giao dịch hằng ngày. Cùng với đó, việc phát triển ngân hàng số cũng giúp các ngân hàng tăng khả năng tiếp cận khách hàng, cắt giảm chi phí, tăng doanh thu, giúp ngành Ngân hàng phát triển sản phẩm nhanh hơn, dễ dàng hơn. Việc các ngân hàng đầu tư mạnh vào công nghệ cũng nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Tháng 3/2023, Ngân hàng số Agribank Digital Banking tại Tuyên Quang được khai trương đưa vào hoạt động đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại. Theo đó, Agribank Digital là mô hình chi nhánh ngân hàng thu nhỏ với các giao dịch được tự động hóa với tốc độ xử lý nhanh, độ chính xác cao, khách hàng có thể thực hiện tất cả các dịch vụ ngân hàng như dịch vụ tại quầy giao dịch (hướng tới có thể thay thế hoàn toàn mô hình quầy giao dịch hiện tại). Mô hình cung cấp các dịch vụ ngân hàng tự động 24/7, nhanh chóng, an toàn và bảo mật. Người dân chưa có tài khoản, chỉ cần mang theo căn cước công dân, thực hiện các thao tác đơn giản là có thể nhanh chóng mở tài khoản tại ngân hàng số của Agribank. Khi đã có tài khoản, khách hàng có thể thực hiện tất cả các dịch vụ ngân hàng tại quầy giao dịch Agribank Digital như định danh, đăng ký thông tin sinh trắc học (khuôn mặt, vân tay), đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, vay vốn trực tuyến, thực hiện các giao dịch tài chính bằng sinh trắc học như gửi tiền vào tài khoản, thanh toán, chuyển khoản, chuyển tiền 24/7, gửi tiết kiệm...

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tuyên Quang, ngay đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, NHNN tỉnh đã xác định chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là nhiệm vụ trọng tâm, là mệnh lệnh chiến lược để hoạt động ngân hàng an toàn, phát triển toàn diện, bền vững trên địa bàn tỉnh. Theo đó, NHNN tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, về chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số…; ban hành chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện đề án thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, ứng dụng, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hoạt động ngân hàng.

NHNN tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, phân công công chức có trình độ kĩ sư công nghệ thông tin làm công chức chuyên trách về chuyển đổi số. Đồng thời, thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, các ngân hàng đã miễn toàn bộ phí giao dịch qua Mobile Banking, Internet Banking cho khách hàng cá nhân, góp phần tích cực vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và thực hiện các mục tiêu của chiến lược tài chính toàn diện.

Ngoài ra, NHNN tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng; tăng cường giám sát hệ thống ATM trên địa bàn theo các quy định của NHNN Việt Nam. Do vậy, chất lượng dịch vụ hệ thống ATM ngày càng được nâng lên rõ rệt, hoạt động thông suốt, không có sự cố nổi cộm xảy ra; những thắc mắc, khiếu nại được xử lý nhanh nhất, tạo được niềm tin cho khách hàng.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 01 Kiosk ngân hàng số và 90 máy giao dịch tự động (ATM/CDM), trong đó có 05 CDM có nhiều chức năng đa dạng, trên 350 máy POS/mPOS, trên 30.000 QR code, Viet QR đang hoạt động; có trên 800 đơn vị hưởng lương ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản; có khoảng 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nộp thuế qua ngân hàng; 100% các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện chi trả lương hưu qua ngân hàng cho các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã kết nối cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các phương thương thức, như: chuyển khoản, POS, QR code,... để thu tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí,...

Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành thói quen của nhiều người.

Có thể thấy, chuyển đổi số chính là chiếc chìa khóa để các ngân hàng khẳng định được vị thế của mình cũng như tối ưu hóa hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số, ngành Ngân hàng cũng gặp không ít khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ thẩm định, cấp tín dụng số, thẩm định tài sản bảo đảm số, thanh toán số,… đối với khách hàng do việc kết nối, sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuế, bảo hiểm, đất đai,... chưa thực sự thông suốt, còn nhiều hạn chế trong việc xác thực thông tin.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng thực hiện kết nối dịch vụ thanh toán học phí, viện phí bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trên App của các ngân hàng. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục, trường học, bệnh viện hiện nay mới chỉ sử dụng hình thức chuyển khoản hoặc thanh toán qua QR Code và POS do vấn đề kinh phí thuê dịch vụ qua bên trung gian còn cao.

Bên cạnh đó, việc cân đối bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số một cách hợp lý, hiệu quả trong đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm, kiến thức cả về nghiệp vụ và công nghệ số. cũng đang là vướng mắc lớn mà ngành Ngân hàng cần tháo gỡ…

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số, thời gian tới, ngành Ngân hàng Tuyên Quang sẽ tiếp tục bám sát các mục tiêu kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tham gia xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số. Cùng với đó, phát triển hạ tầng số, hiện đại hóa hạ tầng thanh toán các hệ thống thanh toán 24/7, mở rộng, bố trí lại hệ thống điểm giao dịch, máy ATM/CDM, máy mPOS/POS và mạng lưới QR Code… bảo đảm với chiến lược phát triển của từng tổ chức tín dụng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, địa phương và nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Ngoài ra, khai thác sử dụng có hiệu quả ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát và vận hành nội bộ tại NHNN tỉnh, trong ngành Ngân hàng Tuyên Quang và giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác. Tăng cường ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số phục vụ người dân đi đôi với đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, các giao dịch ngân hàng số, thanh toán số. Tập trung tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả cùng tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Nguồn: Trang thông tin điện tử huyện Sơn Dương

Tin cùng chuyên mục